Ngày 09/04/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2018/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 29/05/2018.
Theo đó, Nghị định số 50/2018/NĐ-CP có một số nội dung chính như sau:
1. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ:
– Trình Chính phủ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
– Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng Chương trình thanh tra hàng năm, các dự thảo quyết định, chỉ thị, các văn bản khác về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai thực hiện.
– Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
– Thanh tra:
– Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
– Phòng, chống tham nhũng
– Quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của Thanh tra Chính phủ theo Chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
– Chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra; bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra; thực hiện việc quản lý, bổ nhiệm các ngạch công chức thanh tra theo quy định của pháp luật; cấp thẻ thanh tra viên cho công chức, sỹ quan được bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra viên trong toàn ngành Thanh tra; ban hành tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra bộ và Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra tỉnh.
– Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Thanh tra Chính phủ theo quy định của pháp luật.
2. Cơ cấu tổ chức
– Vụ Pháp chế và Vụ Hợp tác quốc tế có 02 phòng;
– Vụ Kế hoạch – Tổng hợp và Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra có 03 phòng;
– Vụ Tổ chức cán bộ có 04 phòng;
– Văn phòng có 05 phòng; Cục I, Cục II, Cục III có 04 phòng;
– Cục IV, Ban Tiếp công dân trung ương có 05 phòng.
Như vậy, Nghị định số 50/2018/NĐ-CP đã phân định rõ ràng, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ. Qua đó, Nghị định này góp phần đảm bảo quá trình vận hành của bộ máy quản lý nhà nước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.