Ngày 28/09/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 91/2018/TT-BTC hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/12/2018.
Theo đó, từ ngày 18/12/2018, các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu sẽ sử dụng kinh phí từ Ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ, đóng góp để thực hiện các công việc sau:
Biên soạn chương trình; giáo trình, tài liệu đào tạo về dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu;
Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật thực hiện kiểm tra, thử nghiệm hiệu suất năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng;
Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các chỉ tiêu về chi phí năng lượng riêng, hiệu suất năng lượng tối thiểu;
Mua sắm, thuê trang thiết bị để thực hiện kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận hiệu suất năng lượng đối với các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng theo lộ trình;
Tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi về danh mục, phương tiện, thiết bị, lộ trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Ngoài ra, việc lập, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật.
Như vậy, với những quy định chi tiết và cụ thể, Thông tư số 91/2018/TT-BTC được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao tinh thần tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước.