Ngày 08/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý Ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn Điều ước quốc tế đó, cụ thể như sau:
1. Hàng hóa được coi là có xuất xứ khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ theo quy định; (hoặc)
– Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ, nhưng đáp ứng các quy định tại Nghị định này.
2. Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ đối với 03 trường hợp:
– Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong 03 tháng, kể từ lần đầu tiên thương nhân đăng tải các thông tin, dữ liệu không liên quan đến cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử.
– Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong 06 tháng, kể từ ngày phát hiện thương nhân sử dụng chứng từ giả hoặc kê khai gian lận khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
– Thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp và tạm dừng cấp trong 06 tháng kể từ ngày thương nhân không hợp tác, không cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ hoặc cung cấp sai thông tin chứng minh xuất xứ hàng hóa khi cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận tiến hành hậu kiểm.
Ngoài các biện pháp chống gian lận xuất xứ nêu trên, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận có thể áp dụng chế độ luồng đỏ trong hệ thống quản lý rủi ro đối với thương nhân và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.
3. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Đối với thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định (có thay đổi về định mức số lượng, định mức trọng lượng, mã HS, trị giá và nguồn cung nguyên liệu đối với cả nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm đầu ra mỗi lần cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa), hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
– Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tương ứng đã được khai hoàn chỉnh;
– Bản in tờ khai hải quan xuất khẩu. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không phải khai báo hải quan theo quy định của pháp luật không cần nộp bản sao tờ khai hải quan;
– Bản sao hóa đơn thương mại (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
– Bản sao vận tải đơn hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn. Thương nhân được xem xét không cần nộp chứng từ này trong trường hợp xuất khẩu hàng hóa có hình thức giao hàng không sử dụng vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải khác theo quy định của pháp luật hoặc thông lệ quốc tế;
– Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi theo mẫu do Bộ Công Thương quy định;
– Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ hoặc hàng hóa có xuất xứ được sản xuất trong nước theo mẫu do Bộ Công Thương quy định trong trường hợp nguyên liệu đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác;
– Bản sao Quy trình sản xuất hàng hóa (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
Như vậy, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP đã đưa ra những hướng dẫn chi tiết và cụ thể về xác định xuất xứ hàng hóa cũng như hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Những quy định này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát và hạn chế tình trạng hàng hóa không rõ nơi sản xuất, ghi nhãn mác không rõ ràng thiếu trung thực, qua đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.