Chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XI đánh dấu giai đoạn mới của hội nhập quốc tế nước ta nhằm phục vụ phát triển và nâng cao vị thế đất nước, triển khai đường lối đối ngoại. Xuất phát từ xu thế khách quan và nhằm đáp ứng nhu cầu mới của đất nước, hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới đối với các cơ quan, hiệp hội, địa phương và doanh nghiệp nước ta. Do đó, vấn đề cần thiết là nhận thức đầy đủ hơn tính tất yếu của hội nhập, liên kết quốc tế, nội dung hội nhập trong thời kỳ mới, cũng như thời cơ và thách thức. Từ đó, xác định các giải pháp để tham gia, đóng góp đối với tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
I. Đặc điểm của hội nhập quốc tế nước ta giai đoạn mới
1.1. Hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn mới diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và nước ta hiện nay hoàn toàn khác trước, kể cả giai đoạn từ khi nước ta gia nhập WTO năm 2007 đến nay.
Cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu 2008 – 2009 đã thúc đẩy nhanh những chuyển dịch trên phạm vi toàn cầu cũng như ở từng nước, từng khu vực tạo nên tương quan sức mạnh kinh tế giữa các trung tâm. Xu hướng đa trung tâm, đa tầng nấc đang ngày càng được khẳng định. Nền tảng kinh tế thế giới có những chuyển dịch căn bản, toàn cầu hóa và công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ.
Xu hướng hội nhập, liên kết kinh tế đa tầng nấc, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA), gia tăng mạnh. Nổi bật là các hiệp định FTA thế hệ mới phát triển nhanh hơn, ngày càng sâu rộng, gắn kết với phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Châu Á – Thái Bình Dương đóng vai trò đầu tàu trong tăng trưởng và liên kết toàn cầu. Hàng loạt các đàm phán FTA thế hệ mới tạo ra những bước ngoặt trong liên kết kinh tế ở hầu khắp các khu vực, tiêu biểu là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán 10/2015, Hiệp định đối tác thương mại – đầu tư xuyên Đại Tây Dương Hoa Kỳ – EU (TTIP), Khuôn khổ đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) đều dự kiến kết thúc vào năm 2016.
1.2. Với những thành tựu của 30 năm đổi mới và chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập quốc tế trở thành nhân tố quan trọng hơn bao giờ hết để tạo thế và lực của đất nước trong cục diện đang định hình. Do đó, hội nhập quốc tế đang đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới.
Trước hết, khác với các giai đoạn trước, hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay đòi hỏi đổi mới tư duy, chuyển từ “mở rộng quan hệ, gia nhập và tham gia hợp tác quốc tế” sang “chủ động đóng góp, tích cực khởi xướng và tham gia định hình các cơ chế hợp tác”. Với tầm và quy mô hội nhập hiện nay, các mối quan hệ kinh tế quốc tế của nước ta không đơn thuần là “hội nhập” mà ở tầm “liên kết”.
Đoàn Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự HNCC ASEM 10, Milan, Italy, ngày 16 – 17/10/2014
Thứ hai, cần tăng cường cách tiếp cận đa ngành, liên ngành và đa phương. Đây là xu thế khách quan trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, các nội hàm liên kết trở nên sâu rộng hơn, với nhiều đối tác hơn, mang tính liên ngành, đa lĩnh vực, đa tầng nấc, ở mọi cấp độ tiểu vùng, khu vực, liên khu vực và toàn cầu.
Thứ ba, phát triển bền vững, sáng tạo và ứng phó với các thách thức toàn cầu là nội hàm quan trọng của hội nhập quốc tế. Điều này là phù hợp với xu thế chuyển đổi sang mô hình bền vững và sáng tạo, tăng trưởng xanh, từ tư duy kinh tế, tư duy phát triển, cách tiếp cận đến cách thức quản trị kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh trên mọi tầng nấc.
Thứ tư, để có thể tận dụng cơ hội, tiềm năng của liên kết quốc tế về công nghệ, quản lý, nguồn lực và tham gia vào tầng nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần có sự đột phá trong cải cách, đổi mới trong nước, nhất là về thể chế, khuôn khổ pháp lý, năng lực thực thi hội nhập quốc tế, trình độ, kỹ năng, ngoại ngữ của nguồn nhân lực. Cùng với đó là việc hình thành các chính sách tham gia hội nhập, liên kết quốc tế trong từng lĩnh vực và thiết lập các cơ chế chỉ đạo, phối hợp phù hợp với tình hình mới.
1.3. Theo đó, hội nhập quốc tế nước ta trong 5 – 10 năm tới sẽ tập trung vào các trọng tâm sau, trong đó 2015 và 2018 là những giai đoạn quan trọng:
Nỗ lực hoàn tất các cam kết quốc tế lớn có thời hạn vào 2015 – 2020 nhằm nâng tầm hội nhập quốc tế, trong đó ưu tiên: (i) Cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN, Tầm nhìn ASEAN đến năm 2025; (ii) Cam kết gia nhập WTO (thời hạn 31/12/2018), các Mục tiêu Bô-go của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020…
Hoàn tất đàm phán và thực thi các Hiệp định FTA, trong đó thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi TPP, các FTA với Liên minh Kinh tế Á – Âu, EU và Hàn Quốc; hoàn tất đàm phán RCEP và FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA); các cam kết trong 8 FTA đã ký… Các FTA của ASEAN (AFTA), ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc có thời hạn cắt giảm thuế năm 2018.
Nâng tầm hội nhập quốc tế trên các tầng nấc, cơ chế liên kết theo hướng đẩy mạnh chủ động đóng góp, tiếp cận đa ngành, đa phương, đề cao nội hàm phát triển, nhất là trong các khuôn khổ đa phương và trong các vấn đề mà ta quan tâm, có lợi ích như đối tác phát triển, giảm nghèo, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, an ninh hàng hải…
Nỗ lực tạo đột phá trong vận động các đối tác, nhất là các đối tác lớn, sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của ta trước thời hạn 2018 (là thời điểm kinh tế nước ta được công nhận là nền kinh tế thị trường theo thỏa thuận gia nhập WTO). Xử lý hiệu quả tranh chấp, vướng mắc kinh tế, thương mại nhằm bảo đảm lợi ích của người lao động và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi làm việc với Bộ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế Phần Lan Heidi Hautala ngày 24/01/2013
II. Thời cơ và thách thức của hội nhập quốc tế giai đoạn mới
2.1. Thời cơ và thuận lợi
Với triển vọng hoàn tất đàm phán và triển khai Hiệp định FTA trong giai đoạn đến năm 2020, lần đầu tiên nước ta sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rất rộng lớn với tất cả các trung tâm và các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam đứng trước những thuận lợi lớn chưa từng có để mở rộng thị trường xuất khẩu, với tư cách là một đối tác bình đẳng, không bị phân biệt đối xử, theo mức thuế ưu đãi, thậm chí là 0%, với 56 đối tác mà ta có hiệp định FTA. Ðây là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ của nước ta, tạo thêm việc làm, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo động lực mới để thúc đẩy đổi mới, hoàn thiện môi trường pháp lý, thể chế kinh tế thị trường, cải cách hành chính, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý trong nước ngày càng minh bạch hơn, làm thông thoáng môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các công ty xuyên quốc gia có tiềm lực tài chính lớn, công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến.
Hội nhập quốc tế sâu rộng tạo thời cơ, thuận lợi mới để triển khai chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, làm sâu sắc và nâng tầm các quan hệ đối tác, tạo thế đan xen lợi ích dài hạn với tất cả các trung tâm kinh tế – chính trị hàng đầu thế giới, đem lại thế và lực mới cho đất nước, củng cố môi trường hòa bình, ổn định.
Với chủ trương “chủ động đóng góp, tích cực khởi xướng và tham gia định hình các cơ chế hợp tác”, nước ta có điều kiện cùng các nước hoạch định các chính sách toàn cầu, nhất là về kinh tế, thương mại, thúc đẩy hình thành một trật tự kinh tế mới công bằng hơn, trong đó có điều kiện thuận lợi để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam trong tranh chấp thương mại quốc tế.
Các hiệp hội và doanh nghiệp trong nước có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cạnh tranh hơn, dịch vụ hỗ trợ tiện lợi hơn, chất lượng cao hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất…, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. Người dân trong nước có thêm nhiều sự lựa chọn phong phú về hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh.
2.2. Thách thức và khó khăn
Thách thức lớn và trực diện nhất là sức ép cạnh tranh gay gắt hơn trên cả ba cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Các sản phẩm và doanh nghiệp của ta sẽ phải cạnh tranh với sản phẩm và doanh nghiệp nước ngoài không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay trên thị trường nội địa. Chính phủ ta phải cạnh tranh với chính phủ các nước trong cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nguồn nhân lực… Các lĩnh vực kinh tế vốn được bảo hộ bị thách thức gay gắt do việc cắt giảm thuế quan, như ngành sản xuất ô-tô, mía đường, gạo, xăng dầu…
Các Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp đứng trước đòi hỏi phải hiểu biết nhiều và vận dụng hiệu quả các luật lệ, quy định kinh tế, thương mại cũng như văn hóa kinh doanh của nhiều nước và nhiều thị trường hơn trước, đặc biệt trong trường hợp xảy ra tranh chấp thương mại. Các FTA mới đòi hỏi phải điều chỉnh luật lệ, chính sách không chỉ về kinh tế, thương mại mà cả các vấn đề phi thương mại, như quyền của người lao động, tiêu chuẩn lao động, tự do hiệp hội – công đoàn, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ…
Lễ kỷ niệm 20 năm Việt Nam tham gia ASEAN, Hà Nội , ngày 28/7/2015
Với xu thế chuyển dịch lao động giữa các nước tham gia FTA, thách thức đối với các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, người lao động trong nước là sức ép về trình độ, tri thức và tay nghề, nguy cơ tranh chấp quốc tế (các FTA mới có quy định cao về giải quyết tranh chấp)… Trong khi lực lượng lao động nước ta chưa qua đào tạo còn chiếm tỉ trọng lớn, số lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao còn thiếu; Đội ngũ cán bộ, công chức nước ta thiếu và hạn chế về năng lực hội nhập; thiếu đội ngũ luật sư giỏi để giải quyết các tranh chấp thương mại và tư vấn cho các doanh nghiệp.
Hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường hàng hóa quốc tế, xung đột, tranh chấp sẽ tác động nhanh hơn, mạnh hơn đến nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển bền vững của ta; thách thức về bảo đảm an ninh, giữ gìn bản sắc dân tộc, sự phát triển không đều…
Những yếu kém, bất cập trong nước bộc lộ rõ hơn và nếu không được xử lý kịp thời và thỏa đáng thì sẽ làm gia tăng nguy cơ tụt hậu của nước ta. Chuyển biến trong tư duy trong nước chưa kịp với tình hình quốc tế và tốc độ hội nhập quốc tế của nước ta. Khu vực tư nhân còn manh mún, quy mô nhỏ, thiếu nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị… Các hiệp hội, địa phương và doanh nghiệp hiểu và tham gia hội nhập rất hạn chế, thụ động. Cơ chế điều phối còn bất cập.
III. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và tham gia các FTA
Đổi mới cách nghĩ, cách làm trong tham gia các hoạt động hội nhập, liên kết quốc tế theo hướng “chủ động tham gia, tích cực đề xuất và đóng góp”. Tư duy mới là nâng lên tầm khu vực và toàn cầu – đó là tư duy của một Cộng đồng ASEAN 600 triệu dân, một thị trường, không gian kinh tế rộng lớn của 56 đối tác FTA đại diện 65% dân số, 95% GDP và 84% thương mại thế giới. Cách làm mới là liên kết, hợp tác liên ngành, đa ngành và đa phương, bền vững, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương, doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh gay gắt với các đối tác lớn, mạnh hơn.
Đẩy mạnh phổ biến nội dung các cam kết hội nhập của ta, nhất là các hiệp định FTA, chính sách, biện pháp cụ thể để tận dụng thời cơ, xử lý thách thức của hội nhập.
Hoàn thiện thể chế pháp lý hướng tới hài hòa hóa chính sách với các cam kết quốc tế; hình thành các chiến lược lớn về hội nhập quốc tế, tham gia FTA; rà soát và đẩy mạnh triển khai lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế… Hiện nay rất cần hiệp hội và doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất để hình thành các yêu cầu, cam kết của ta trong tham gia các thỏa thuận quốc tế, các đàm phán FTA.
Đẩy mạnh nâng cao năng lực thực thi hội nhập quốc tế; tăng cường xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, có tri thức, kiến thức, kỹ năng hội nhập và kỹ năng nghề, đồng thời các cơ quan, hiệp hội cần đẩy mạnh đổi mới quản lý phù hợp tình hình, nhất là trong tình hình có nhiều yếu tố bất ổn, bất định. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, đội ngũ luật sư, đào tạo nghề, gắn với nhu cầu xã hội và yêu cầu của hội nhập quốc tế nước ta.
Đổi mới cách thức, kiện toàn cơ chế phối hợp liên ngành, phù hợp với những chuyển biến nhanh của tình hình và hội nhập quốc tế nước ta. Công tác chuẩn bị trong nước để hội nhập quốc tế đang có những bước chuyển quan trọng, nổi bật là việc ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, trong đó đề ra các định hướng lớn về hội nhập và xác định hội nhập kinh tế là trọng tâm.
Bài đăng trên Tạp chí kiến trúc số 11/2015