Ngày 01/6/2019, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BNV về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức.
Theo đó, Thông tư 06/2019/TT-BNV đã đưa ra một số thay đổi quan trọng như sau:
Trước đây, tại Thông tư 11/2012/TT-BNV quy định:
Nếu thông tin công chức trong các thành phần hồ sơ không thống nhất thì căn cứ giấy khai sinh gốc, sổ hộ khẩu, sổ bảo hiểm và hồ sơ Đảng viên (nếu công chức là đảng viên) để hoàn thiện, bổ sung và thống nhất với giấy khai sinh gốc.
Trường hợp các thông tin trong hồ sơ của công chức (ngày, tháng, năm sinh, họ, tên, tên đệm) không thống nhất giữa các thành phần hồ sơ thì căn cứ vào hồ sơ gốc lập lần đầu khi công chức được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước để xác định, kể cả thông tin trong hồ sơ đảng viên.
Từ ngày 15/7/2019, việc sửa chữa thông tin trong hồ sơ công chức được quy định cụ thể như sau:
Trường hợp các thành phần hồ sơ (quyển Lý lịch cán bộ, công chức, giấy khai sinh, sổ bảo hiểm xã hội, văn bằng, chứng chỉ) không thống nhất thì căn cứ giấy khai sinh gốc để hoàn thiện, bổ sung và thống nhất các thành phần hồ sơ khác theo giấy khai sinh này.
Nếu không có giấy khai sinh thì căn cứ quyển Lý lịch cán bộ, công chức được lập khi công chức được tuyển dụng lần đầu vào cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước để thống nhất;
Đặc biệt không thực hiện sửa chữa, điều chỉnh ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ của công chức là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc này, việc xác định ngày, tháng, năm sinh (tuổi) của công chức theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng.
Qua đây, có thể thấy rằng việc sửa chữa thông tin trong hồ sơ công chức được quy định rõ ràng và chi tiết hơn tại Thông tư 06/2019/TT-BNV. Theo đó, góp phần tháo gỡ các vướng mắc của cán bộ, công chức; cơ quan quản lý công chức trong trường hợp cần thực hiện việc sửa chữa các dữ liệu thông tin.