Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động
Với mong muốn bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cuối năm, đồng thời giảm...
Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền đang được giới kinh doanh vận dụng để đưa các thương hiệu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Ngoài lĩnh...
6 ngành kinh tế phát triển mũi nhọn khu vực miền Trung
Có 6 lĩnh vực kinh tế biển, ven biển đang được các tỉnh miền Trung tập trung phát triển và đã đạt được những kết...
91.9% doanh nghiệp lạc quan về hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả...
Việt Nam chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu với CPTPP
Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng...
- 04 / 10 / 2024 -
CHƯA ĐƯỢC XÓA ÁN TÍCH, CÓ ĐƯỢC LÀM NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA DOANH NGHIỆP HAY KHÔNG?

Pháp luật có quy định về việc cấm người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam hoặc đang chấp hành hình phạt tù làm người đứng đầu doanh nghiệp. Vậy đối với trường hợp đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích, họ có được đảm nhiệm vai trò này hay không?

Sau khi chấp hành xong bản án của TAND Cấp cao tại TPHCM về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, bà Nguyễn Phương Hằng đã được trả tự do vào ngày 19/9. Sau khi bà Hằng được trả tự do, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Nam đã bổ nhiệm bà làm Phó Tổng Giám đốc công ty, đồng thời giữ chức vụ Tổng giám đốc điều hành khu du lịch Đại Nam.

Từ đây, một vấn đề pháp lý được đặt ra, đó là việc người mới ra tù và chưa được xóa án tích có được làm chủ doanh nghiệp hay không? Và đối với các trường hợp mới chấp hành xong hình phạt tù, khi nào họ có thể được xóa án tích?

Điều kiện để trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Theo khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, các tổ chức, cá nhân thuộc nhóm đối tượng sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

Thứ nhất, Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

Thứ hai, Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

Thứ ba, Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

Thứ tư, Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

Thứ năm, Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

Thứ sáu,  Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

Thứ bảy, Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngoài những quy định trên, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cùng như các văn bản quy phạm pháp luật khác không có quy định về việc cấm người đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích được quyền điều hành hoặc trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Do đó, đối với các trường hợp tương tự như bà Phương Hằng, dù mới ra tù và chưa được xóa án tích nhưng việc nữ doanh nhân được bổ nhiệm trở thành người đứng đầu khu du lịch Đại Nam là hoàn toàn phù hợp, không vi phạm các quy định bị pháp luật nghiêm cấm.

Thời hạn xóa án tích

Về việc xóa án tích, theo Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các Điều từ 70 đến Điều 73 Bộ luật này. Đối với trường hợp bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt, khi chấp hành xong hình phạt tù thì họ không bị coi là có án tích.

Việc xóa án tích được chia thành 3 trường hợp, bao gồm Đương nhiên được xóa án tích; Xóa án tích theo quyết định của Tòa án và Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.

Đối với trường hợp Đương nhiên được xóa án tích theo Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015, việc đương nhiên được xóa án tích áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Về thời hạn, đối với người bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ, cảnh cáo, phạt tiền hoặc được án treo, nếu trong thời hạn 1 năm từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời hạn thử thách án treo mà người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới thì được xóa án tích.

Đối với người bị phạt tù tới 5 năm, thời hạn là 2 năm từ ngày chấp hành xong hình phạt chính còn với các trường hợp bị phạt tù từ trên 5 năm tới 15 năm và từ 15 năm trở lên, chung thân hoặc tử hình nhưng được giảm án, thời hạn áp dụng lần lượt là 3 và 5 năm.

Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với trường hợp Xóa án tích theo quyết định của Tòa án theo Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015, quy định này áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Căn cứ tính chất tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án, Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với những người này.

Về thời hạn, đối với người bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 1 năm, nếu trong thời hạn 3 năm từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời hạn thử thách án treo mà người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới thì được Tòa án xóa án tích.

Đối với người phải chấp hành án tù từ đến 5 năm, thời hạn là 3 năm; với mức án từ 5-15 năm tù, thời hạn là 5 năm còn với người bị phạt tù từ 15 năm trở lên, chung than hoặc tử hình nhưng được giảm án, thời hạn là 7 năm.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản này thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích.

Đối với trường hợp Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt, theo Điều 72 Bộ luật Hình sự 2015, trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất 1/3 thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.

Lấy ví dụ đối với trường hợp của bà Phương Hằng, trong thời hạn 2 năm từ ngày chấp hành xong hình phạt chính tức ngày 19/9/2024, nếu nữ doanh nhân đã chấp hành xong hình phạt bổ sung và không thực hiện hành vi phạm tội mới thì sẽ thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích.

Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia – Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn Sở Tư pháp trực tiếp quy định các thủ tục chi tiết để xóa án tích cho các trường hợp được đương nhiên xóa án tích. Người muốn làm thủ tục đương nhiên xóa án tích sẽ nộp đơn tới Sở Tư pháp của tỉnh, thành phố nơi mình thường trú, đối với trường hợp của bà Phương Hằng là Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương.

Luật sư Trần Hoàng Linh

Mobile: 0862.047.446 – Email: Linh.tran@bizlawyer.vn