Ngày 07/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2018.
Theo đó, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP có những nội dung mới đáng chú ý cụ thể như sau:
Thứ nhất, xác định cụ thể chủ thể đứng tên hợp đồng vay vốn ngân hàng của hộ kinh doanh, cụ thể như sau:
– Vì hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân khi tham gia giao dịch vay vốn, do đó, các thành viên của hộ kinh doanh là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn hoặc;
– Các thành viên có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn này, việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
– Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ vay vốn biết;
– Trường hợp thành viên của hộ kinh doanh không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ vay vốn do mình xác lập, thực hiện.
Thứ hai, tăng mức vay đối với cá nhân, hộ gia đình được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm, cụ thể:
– Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trừ trường hợp nêu tại điểm c khoản 2 Điều này);
– Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn
Thứ ba, tăng cường chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:
– Dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án;
– Doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.
Như vậy, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP đã quy định nhiều chính sách tín dụng ưu đãi để thúc đẩy hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.