Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019. Luật gồm 10 chương, 118 Điều.
Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Một trong những nội dung nổi bật của Luật cạnh tranh 2018 đó là việc quy định về Chính sách khoan hồng. Theo đó, đây là một nội dung hoàn toàn mới được ghi nhận trong Luật, nó được xem như công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm phá vỡ các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trên thị trường.
Khoan hồng là việc cho phép miễn trừ hay giảm trừ hình phạt đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm luật cạnh tranh nhưng sau đó đã hợp tác với các cơ quan thực thi luật cạnh tranh. Theo đó, nội dung cốt lõi của chính sách này là miễn trừ hoặc giảm trừ đáng kể cho các tổ chức và cá nhân tham gia chương trình khoan hồng khỏi nguy cơ bị xử phạt hành chính hay bị áp dụng chế tài hình sự nghiêm khắc mà lẽ ra họ phải gánh chịu do thực hiện hành vi vi phạm luật cạnh tranh.
Doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm quy định tại Điều 12 của Luật này được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.
Chính sách khoan hồng áp dụng cho không quá 03 doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hưởng khoan hồng đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này.
Việc miễn, giảm mức phạt tiền được thực hiện như sau:
a) Doanh nghiệp đầu tiên có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này được miễn 100% mức phạt tiền;
b) Doanh nghiệp thứ hai và thứ ba có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này lần lượt được giảm 60% và 40% mức phạt tiền.
Giá trị của chính sách khoan hồng cho phép các cơ quan quản lý cạnh tranh được tiếp cận các chứng cứ và thông tin mật liên quan đến các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bất hợp pháp, mà trên thực tế nếu không có chính sách này thì sẽ cực kỳ khó khăn và tốn thời gian để thu thập chúng trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra. Vì vậy, khoan hồng có thể được sử dụng như là một phương pháp bổ sung trong việc thu thập chứng cứ, giúp giảm đáng kể chi phí điều tra cũng như chi phí xét xử cho cả cơ quan quản lý cạnh tranh và tòa án.