Theo đó, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã thay thế và bổ sung một số quy định chi tiết hơn so với Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, thời hạn án lệ được nghiên cứu và áp dụng. Tại Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố thay vì 45 ngày như quy định tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP.
Thứ hai, hướng dẫn chi tiết và rõ ràng hơn về cách thức Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc.
– Số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án. Trong khi đó, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP chỉ quy định là phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án mà không quy định cụ thể nên quy định ở đâu.
– Tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự. Trong khi đó, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP không quy định về vấn đề này.
Qua những nội dung mới được phân tích nêu trên, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ra đời sẽ giúp các án lệ nhanh chóng đi vào thực tiễn áp dụng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách và ngày càng cao trong giải quyết vụ việc của hệ thống tư pháp. Ngoài ra, việc quy định chi tiết, cụ thể hơn của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP còn giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng và các chủ thể có liên quan đến quá trình giải quyết vụ án nói chung tháo gỡ được nhiều các vướng mắc đang gặp phải trong quá trình áp dụng án lệ hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giải quyết vụ án. Đồng thời, xây dựng khung pháp lý cụ thể và rõ ràng giúp nâng cao, cải thiện tính hiệu quả và chuyên nghiệp trong lĩnh vực thủ tục tố tụng Việt Nam hiện nay.