Ngày 27/9/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 87/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2018.
Theo đó, Thông tư 87/2018/TT-BTC sửa đổi một số nội dung mới nổi bật đáng chú ý như sau:
1. Trường hợp được tạm dừng cưỡng chế thuế
Thông tư số 87/2018/TT-BTC sửa đổi Khoản 3 Điều 5 bổ sung quy định tạm dừng cưỡng chế thuế. Cụ thể, tạm dừng hoặc chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt mà số tiền đang bị cưỡng chế hoặc đến thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế, nhưng đã được cơ quan thuế ban hành một trong các văn bản sau: quyết định nộp dần tiền thuế nợ; quyết định gia hạn nộp thuế và thông báo không tính tiền chậm nộp.
2. Hình thức gửi Quyết định cưỡng chế thuế
Quyết định cưỡng chế phải gửi cho đối tượng bị cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế. Trường hợp người nộp thuế đã có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được gửi theo phương thức điện tử.
Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp hoặc gửi bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện.
Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận thì người có thẩm quyền hoặc công chức thuế có trách nhiệm giao quyết định cưỡng chế lập biên bản về việc tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế không nhận quyết định, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi tổ chức, cá nhân có địa chỉ đăng ký với cơ quan thuế thì được coi là quyết định đã được giao.
3. Thời điểm ban hành Quyết định cưỡng chế thuế
Quyết định cưỡng chế phải được ban hành sau ngày thứ 90 kể từ ngày số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế hết thời hạn nộp thuế hết thời hạn cho phép nộp dần tiền thuế nợ theo quy định của pháp luật.
Quyết định cưỡng chế thuế được ban hành ngay sau ngày hết thời hạn gia hạn nộp thuế và ngay sau ngày người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt.
Có thể thấy, Thông tư số 87/2018/TT-BTC đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, qua đó được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục những vướng mắc, hạn chế trong việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý trong hoạt động này.