Việt Nam đang soạn thảo một dự án Luật cho hoạt động của ba đặc khu kinh tế đặc biệt, trong đó bao gồm nội dung về miễn giảm tiền thuê đất và miễn giảm thuế cho các nhà đầu tư, tuy nhiên, theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, dự luật này không cần thiết.
Đại biểu Lê Thanh Vân, trong cuộc họp vào ngày thứ Tư tại Hà Nội cho rằng, các đặc khu kinh tế đặc biệt (SEZs) gồm Vân Đồn tại Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa và Phú Quốc ở Kiên Giang, đều là các vị trí đắc địa ở phía bắc, phía nam và trung tâm của đất nước. Nhà nước đã đầu tư hạ tầng rất nhiều vào đây, giờ lại miễn tiền thuê mặt đất, mặt nước, miễn giảm thuế thì không công bằng.
Dự luật đưa ra mức miễn giảm tiền thuê đất trong thời hạn 70 năm, và trong một số trường hợp, thời hạn có thể được kéo dài đến 99 năm nếu có Quyết định chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu Lê Thanh Vân lập luận rằng thời gian cho thuê đất lên tới 99 năm là “không ổn” vì ba địa danh dự định thành lập đặc khu đều ở vị trí nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.
Đại biểu cho rằng, thu hút đầu tư bằng cách miễn thuế, miễn tiền cho thuê đất là không cần thiết, mà quan trọng nhất là phải minh bạch trong đầu tư
“Ưu đãi về thuế nhưng hành xử của bộ máy chính quyền tham nhũng, phiền hà thì khoản được miễn giảm đó có khi còn ít hơn tiền mà doanh nghiệp phải chi ra để vận động”.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cũng đồng quan điểm với đại biểu Lê Thanh Vân
“Giao đất quá dài, lên tới 99 năm thì sau này con cháu chúng ta xử lý thế nào nếu có liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh? Cần quy định rõ chúng ta không đánh đổi chủ quyền cho phát triển kinh tế”, ông Khuê nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc ngày 20/5).
Theo nội dung dự luật, đặc khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn sẽ tập trung vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, du lịch và dịch vụ, dự kiến giải quyết việc làm cho 132.000 người và đóng góp 4 tỷ USD cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2030.
Đặc khu kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong sẽ chuyên về công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí, hậu cần, du lịch và tài chính. Dự kiến đặc khu này sẽ tạo ra 65.000 việc làm và đóng góp 2,2 tỷ USD cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2030.
Đặc khu kinh tế đặc biệt Phú Quốc sẽ thu hút các nhà đầu tư về du lịch, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe với dự kiến lực lượng lao động là 57.600 người, đóng góp khoảng 3,3 tỷ USD trong cùng thời kỳ.
Nguồn: Nhân Dân Online