Ngày 08/05/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2018.
Theo đó, Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg đã đưa ra một số nội dung quan trọng nổi bật như sau:
1. Quy định rõ về việc xử lý hương ước, quy ước vi phạm (có nội dung trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội, trái phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt hoặc phong tục tập quán tốt đẹp khác theo quy định của pháp luật hoặc vi phạm quy định về biểu quyết thông qua, công nhận hương ước, quy ước). Theo đó, hương ước, quy ước vi phạm sẽ bị xử lý bằng các hình thức tạm ngừng thực hiện, bãi bỏ. Thẩm quyền, căn cứ, thời hạn xử lý hương ước, quy ước vi phạm cũng được quy định rõ trong Quyết định này.
2. Cơ quan thực hiện quản lý, chủ trì, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước được giao cho Bộ và Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ và Ngành Tư pháp có trách nhiệm phối hợp trong kiểm tra, kiến nghị việc xử lý hương ước, quy ước vi phạm do có nội dung trái pháp luật, xâm phạm các quyền con người, quyền công dân.
3. Quy định kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo hướng ngân sách nhà nước bảo đảm cho các hoạt động quản lý nhà nước; cộng đồng dân cư tự bảo đảm kinh phí xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; khuyến khích việc hỗ trợ, đóng góp kinh phí, điều kiện cần thiết khác trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Thông qua các quy định cụ thể và chi tiết, Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg đã ghi nhận tính pháp lý của một hình thức pháp luật được sử dụng phổ biến tại nhiều địa phương là tập quán pháp, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của mọi công dân, hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong việc xử lý các vụ việc chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh.